Hướng dẫn cụ thể chi tiết về nơi mua xe, thủ tục mua xe và các tips để bạn mua xe ô tô an toàn ở Úc.
Cẩm nang mua xe
1. Có nên/cần mua xe không?
Nếu như ở Việt Nam xe ô tô là một thứ xa xỉ thì ở Úc, xe ô tô cũ rất rẻ, nhiều kiểu dáng với chất lượng tốt, giá hợp lý, rất dễ mua, dễ bán.
Điều cần cân nhắc trước khi mua xe ở Úc không phải là giá mua xe, mà cần xác định xem bạn có thực sự cần xe không và bạn có tài chính để nuôi xe không. Hệ thống giao thông công cộng ở Úc khá tốt, nếu chỉ đi học, đi chơi bạn có thể sử dụng phương tiện công cộng. Bạn cần xe khi đi làm những chỗ xa xôi, tiết kiệm thời gian đi về, đặc biệt là khi làm ở những nhà máy, công sở trong những khu công nghiệp ít xe công cộng. Có ô tô có thể tiết kiệm thời gian cho bạn, nhất là vào những ngày thứ 7, chủ nhật, ngày nghỉ, ngày lễ khi các phương tiện công cộng giảm chuyến, có thể bạn phải đợi tới 30 phút mới đợi được chuyến xe buýt/tàu hỏa tiếp theo. Không có xe cũng có nghĩa là bạn không đi chơi ở các nơi hẻo lánh được.

Đặc biệt đối với những gia đình đã mua nhà ở Úc và định cư, có xe ô tô sẽ rất tiện việc gia đình như đi chợ, đưa con đi chơi. Nhưng chỉ nên mua xe khi bạn có công việc ổn định để có đủ thu nhập duy trì chiếc xe, hoặc mua xe để phục vụ việc đi làm. Nuôi một chiếc xe ở Úc khá tốn kém, vì nó đi kèm rất nhiều khoản phí và lệ phí. Ngay cả đối với người Úc, việc duy trì một chiếc xe ô tô cũng không phải dễ dàng. Đăng kiểm xe (license and third party insurance) với một chiếc xe 4 chỗ hàng năm đã gần 500 đô, chưa kể tiền bảo dưỡng, sửa chữa xe, cùng với tiền bảo hiểm, tiền xăng xe, tiền gửi xe, vvv. Tính ra mỗi tuần bạn sẽ phải chi khoảng 100 đô cho chiếc xe 4 chỗ thông thường.
2. Mua xe ở đâu?
Khi bạn đã xác định sẽ mua xe, thì cần tìm nơi mua. Nhiều bạn mua ở những cửa hàng bán xe ô tô cũ (dealer), nhưng theo kinh nghiệm đi khảo sát hơn chục cửa hàng xe ô tô cũ của mình, xe ở đó khá đắt (đắt hơn so với giá xe cùng điều kiện, cùng loại mua của chủ xe). Hơn nữa không phải dealer nào cũng là những người thành thật, khi họ mua xe cũ về, có một số hỏng hóc của xe họ đã tự sửa chữa trước khi bán cho bạn nên có thể bạn không biết. Có câu chuyện như này, bạn mình tìm xe để mua, hôm trước thấy 1 chủ xe rao bán chiếc xe với giá $3.500 trên Gumtree, chưa kịp hỏi vì bận quá, bẵng qua vài ngày thấy chiếc xe đó đã được bán rồi. Vài hôm sau lại thấy 1 dealer rao bán đúng chiếc xe đó, nhưng giá đã tăng lên $5000.
Những nơi bạn có thể tìm được chủ xe rao bán xe là Gumtree, hay Carsale. Ở đó hàng ngày hàng giờ có cả trăm chiếc xe để bạn lựa chọn. Khi bạn xem một chiếc xe, và không biết nó đắt hay rẻ, bạn nên vào redbook.com.au, đưa dòng xe, đời xe, số km vào, và sau đó search. Trang này sẽ cho bạn mức giá trung bình của xe trên thị trường xe cũ để bạn tham khảo (ví dụ họ đưa ra mức giá trung bình của dòng xe A, số km B là 3000-4000AUD thì bạn sẽ biết xe đó đang rao bán là đắt hay rẻ).

Một kinh nghiệm nữa là nên mua xe của các cá nhân là người Úc gốc Âu, bởi ý thức về sự an toàn của họ cao hơn nhiều so với người gốc Á, và ít nhất là họ cũng sẵn sàng bỏ tiền ra đi bảo dưỡng xe, họ coi việc bảo dưỡng xe là chuyện đương nhiên để bảo đảm an toàn cho họ. Không nên mua xe của người Tàu, Ấn Độ, Pakistan và cũng không nên mua xe của sinh viên, nhất là sinh viên quốc tế bởi để tiết kiệm chi phí họ rất ít khi bảo dưỡng xe, chỉ khi trục trặc mới đem đi sửa.
Lý tưởng nhất là bạn mua xe có lịch sử bảo dưỡng đầy đủ đều đặn, nhất là sau thời kỳ bảo dưỡng miễn phí khi mua xe mới. Dành một ít thời gian đọc kỹ các giấy tờ bảo dưỡng sẽ đem lại cho bạn bức tranh đầy đủ về chiếc xe ô tô bạn đang xem, bởi vì nếu xe được đưa đi bảo dưỡng thường xuyên, hóa đơn bảo dưỡng thường đi kèm với báo cáo về điều kiện xe và các bộ phận đề xuất sửa/thay. Nếu có các giấy tờ này và bạn dành thời gian đọc, có khi đi mua xe bạn cũng không cần phải có người hiểu biết về xe đi cùng.
Nếu bạn thận trọng hơn có thể trả thêm tiền (khoảng vài chục đô) để có được report của một chiếc xe trước khi mua. Bạn hỏi chủ xe số VIN của xe, và vào carfacts.com.au cho số VIN này để mua báo cáo lịch sử xe, báo cáo sẽ cho bạn biết xe đã bao giờ bị tai nạn chưa, đã bao giờ bị trộm chưa, xe có bị quay ngược đồng hồ đo cây số không, và nhiều thông tin hữu ích khác.
Nếu bạn có điều kiện và muốn đi xe khoảng hơn $10.000 trở lên thì có một nơi bạn có thể mua các xe cũ chất lượng cao, đó là các trang đấu giá xe của chính phủ (http://www.governmentauctions.com.au/). Đây là nơi chính phủ các cấp của Úc bán đấu giá các xe công đã qua sử dụng. Các xe này hầu hết mới chỉ đi một vài năm, được coi là hết khấu hao theo tiêu chuẩn chính phủ Úc nên được đem ra thanh lý bán đấu giá. Hầu hết các xe ở điều kiện tốt, được bảo dưỡng định kỳ thường xuyên, số km thấp, đôi khi còn cả bảo hành của nhà sản xuất, và mọi thông tin về xe đảm bảo chân thực. Bạn có thể lên mạng xem trước tình trạng xe, và đến ngày đấu giá thì đến trả giá để mua xe.
3. Thủ tục và phí như thế nào?
Thủ tục mua bán xe rất đơn giản. Xe ô tô ở Úc không có giấy đăng ký (hay nói cách khác, giấy đăng ký là giấy tờ điện tử trên hệ thống công nghệ thông tin của Cục Đăng Kiểm). Nếu bạn đồng ý mua, trả tiền xong bạn lấy xe về, 2 bên cùng điền vào một bản giấy tờ mua bán có sẵn mẫu, điền ngày, ký và ai gửi bản của người đó đến Cục đăng kiểm (có sẵn địa chỉ trong mẫu đơn). Không lo người bán lừa bởi vì chiếc xe khi đang mang tên họ mà họ đưa cho người khác đi thì họ chỉ mong sang tên càng sớm càng tốt thôi (vì nhỡ bạn vượt tốc độ, vượt đèn đỏ bị camera chụp được mà xe vẫn đang tên họ thì họ phải trả tiền phạt). Bạn nhớ gửi giấy tờ mua bán xe trong thời gian yêu cầu (thông thường là 2 tuần kể từ ngày ký giấy mua xe) nếu không bạn sẽ bị phạt.
Khi mua xe bạn sẽ phải trả thuế dựa trên giá trị của chiếc xe. Không nên khai thấp hơn giá trị mua bán (nhiều bạn yêu cầu người bán làm như vậy để giảm số thuế phải nộp). Với người bán thì họ không có vấn đề gì, nhưng thử tưởng tượng xe bạn nhỡ bị tai nạn, bảo hiểm họ đền xe cho bạn mà giá trị chiếc xe ghi thấp hơn 1 nửa so với giá trị thực thì bạn thiệt thòi bao nhiêu? Cục đăng kiểm khi nhận được mẫu đơn của bạn họ sẽ gửi cho bạn một hóa đơn nộp thuế chuyển nhượng, sau khi bạn nộp xong số thuế này thì trên hệ thống chiếc xe mang biển số đó sẽ là xe của bạn. Nếu bạn muốn nhanh thì ngay sau khi lấy xe, mang mẫu đơn này đến cục đăng kiểm kèm với các giấy tờ khác (ID, bằng lái), chỉ trong vòng 5 phút làm thủ tục và nộp thuế, tên chiếc xe đã được chuyển sang tên bạn.
4. Những điều lưu ý khác
Có một điểm đáng lưu ý là, có một số xe mang biển đặc biệt (biển tên người, biển đặt, vv). Các biển này sẽ phải trả phí để duy trì biển. Nếu chiếc xe đang có một biển đặc biệt (chủ cũ đăng ký), bạn nên yêu cầu họ đổi sang biển mới cho bạn trước khi mua xe. Còn nếu xe đang mang biển bình thường, bạn muốn xe có biển số đẹp hay biển mang tên mình , thì phải nộp đơn xin biển với cục đăng kiểm và trả phí cho biển mới này.
Và cuối cùng, khi mua xe, đăng kiểm xe (rego/license/roadworthy) còn bao lâu cũng là một điểm lợi, rego còn càng dài càng tốt. Mình mua xe khi rego còn 10 tháng, như vậy là mình đỡ được khoảng $400. Mười tháng sau mình mới phải nộp rego lần đầu. Xe mình cũng mua khi chủ xe vừa đi bảo dưỡng xong (có giấy tờ), nó cũng giúp mình tiết kiệm được khoảng $150 đô đi bảo dưỡng. Nếu bạn mua xe mà không chắc chắn lắm về điều kiện xe, nên đưa đi bảo dưỡng toàn bộ (intensive) ngay sau khi mua và trước khi lái để bạn hiểu thêm về tình trạng của xe, cũng như để đảm bảo an toàn cho bạn khi lái xe.
Những điều “nên” và “không nên” khi lái xe tại Úc
Trước khi đưa ra những điều “Nên” và “Không” khi lái xe ở Úc, mình xin nhắc rằng, 1. Ô tô, ở bất cứ quốc gia nào, đều là một công cụ có thể gây thiệt hại về người/tài sản do đó đi kèm với nó là trách nhiệm pháp lý rất cao. 2. Ô tô là một thứ đắt đỏ, bất cứ một hỏng hóc, trục trặc nào xảy ra với xe (chưa nói là thiệt hại xe hay thiệt hại đến xe của bên thứ 3) cũng rất tốn kém để giải quyết, và nhất là ở Úc (ví dụ riêng tiền thuê xe kéo xe bạn về gara để sửa đã mất 200 đô chưa kể tiền sửa xe).
Và chúng ta đi vào các điều “NÊN” cân nhắc khi lái xe ở Úc nhé:

- Trước khi lái xe bạn phải tìm hiểu điều kiện về bằng lái như thế nào. Vì việc lái xe được quản lý ở cấp chính quyền bang, mỗi bang ở Úc có một điều kiện lái xe khác nhau cho sinh viên quốc tế. Có bang chấp nhận bằng Việt Nam, có bang cho lái 3 tháng sau đó bạn phải đi thi để chuyển sang bằng của Úc. Bạn phải hỏi cụ thể điều kiện từng bang để chuẩn bị cho phù hợp. Cũng có thể cần phải đi học lái ở bên này và thi bằng lái xe. Bằng lái xe không cần dịch sẵn ở Việt Nam vì nhiều bang không chấp nhận bản dịch từ Việt Nam. Sang đây bạn phải đem bằng đến cho những người có bằng dịch thuật Úc dịch.
- BẮT BUỘC phải cập nhật địa chỉ mới của bạn với Cục đăng kiểm khi chuyển nhà. Nơi đầu tiên bạn phải thông báo địa chỉ mới khi bạn chuyển nhà chính là Cục đăng kiểm bởi các giấy tờ quan trọng liên quan đến xe sẽ được gửi đến địa chỉ bạn đăng ký, ví dụ license của xe (nếu bạn không nộp đúng hạn thì xe của bạn sẽ phải đi đăng kiểm lại) hay các phiếu phạt (nếu bạn chuyển địa chỉ không nhận được phiếu phạt thì sẽ có phiếu nhắc với mức phí cao hơn, nếu bạn không nhận được phiếu nhắc thì bạn sẽ được hân hạnh đưa ra tòa và ngoài phiếu phạt bạn còn phải trả các chi phí của tòa nữa).
- NÊN học luật lái xe của Úc trước khi ngồi lái xe dù bạn lái xe bằng bằng của Việt Nam, và nếu có thể được nên nhờ bạn ngồi bên kèm cho bạn một số giờ trước khi bạn thực sự lái một mình bởi ngoài việc lái xe trái đường, luật Úc cũng có nhiều điều khác Việt Nam. Các bạn đang đi xe hoặc đang học luật có biết phần nào là quan trọng nhất trong luật lái xe Úc không? Các bạn hãy comment trả lời và mình sẽ đưa ra ý kiến của mình nhé!
- NÊN đầu tư mua GPS và làm quen với việc chạy bằng GPS bởi đường ở Úc giăng như mắc cửi, toàn xe ô tô chạy ầm ầm, người thì không có nên nếu bạn lạc hoặc không biết đường, rất khó để hỏi được đường. Trên các smart phone cũng có ứng dụng này, nhưng cần có giá đỡ cho smart phone khi bạn chạy xe bởi vừa cầm smart phone vừa chạy xe rất nguy hiểm, chưa kể còn bị cảnh sát phạt vài trăm đô khi vừa sử dụng điện thoại vừa lái xe nữa.
- NÊN mua road side assistance, là dịch vụ hỗ trợ xe bạn trên đường nếu xe bạn gặp trục trặc. Phí của dịch vụ này khoảng hơn $100/năm tùy hãng. Các trục trặc có thể xảy ra bất cứ khi nào và nơi đâu, nhất là khi bạn đi xe cũ. Ví dụ xe hết xăng, xe hỏng ắc quy, hoặc quên tắt đèn pha nên cạn ắc quy không khởi động lại được, hay mất chìa khóa xe, hay đơn giản là để chìa khóa xe trong cốp rồi sập cốp lại (như mình đã từng làm), hay xe bị thủng săm do đâm phải vật lạ… Tất cả những điều trên khi xảy ra mà bạn không có road side assistance, chi phí để xử lý có thể lên tới vài trăm đô la.
- PHẢI có một chìa khóa xe dự phòng. Chiếc xe ô tô của bạn có thể chỉ trị giá 3.000 đô, đánh một chiếc khóa dự phòng mất 100 đô. Nhưng nếu bạn mất khóa xe ô tô và không có chìa khóa dự phòng, bạn có thể mất gần 1000 đô tiền làm một chiếc chìa khóa mới khi không có mẫu khóa, chưa kể tiền phí kéo xe từ chỗ xe bạn đang đậu đến chỗ hàng khóa cho họ làm (đây là trường hợp từng xảy ra với bạn mình).
- NÊN đi bảo dưỡng xe thường xuyên bởi vì nó sẽ giúp bạn tránh được rất nhiều rủi ro, và phiền toái. Xe của bạn có thể giá trị thấp, và bạn nghĩ không đáng đem di bảo dưỡng, nhưng nếu để xe không bảo dưỡng thì không những xe hư hao rất nhanh, mà nhiều khi bạn sẽ gặp rất nhiều phiền toái, chưa nói đến rủi ro tai nạn, ví dụ như ắc quy hỏng, lốp xe mòn, má phanh mòn, cháy máy xe vì hết nước mát, hết dầu nhớt máy (điều này rất hay xảy ra với các bạn sinh viên chủ quan, chỉ đi xe mà không để ý đến bảo hành bảo dưỡng), vvv. Mình sẽ có một bài viết kỳ III về kinh nghiệm bảo dưỡng, sửa chữa xe tại Úc.
- Khi lái xe ô tô đến những nơi bạn biết trước khó có chỗ đậu xe, nhất là với những cuộc hẹn quan trọng, bạn cần phải nghiên cứu nơi đỗ xe từ trước, hoặc nếu không thì phải đi bằng phương tiện công cộng. Những nơi đó gồm có trung tâm thành phố, các bệnh viện, vvv. Mình đã có những lần lỡ những buổi hẹn quan trọng vì vòng xe quanh quẩn cả tiếng đồng hồ không đậu được xe, cũng có lần phải trả cho Wilson Parking đến 30$ cho 2 tiếng đậu xe trong nhà xe tư nhân này. Tránh những nhà đậu xe tư nhân mà bạn biết là giá cắt cổ, ví dụ như Wilson ở Perth.
- Cho ai mượn xe bạn phải nhớ thời gian họ sử dụng xe, vì có thể họ lái xe vượt tốc độ, vượt đèn đỏ và bị camera/cảnh sát chụp hình. Vì bạn là chủ xe nên phiếu phạt sẽ được gửi về cho bạn. Bạn phải biết rõ để biết có phải mình là người lái xe hôm đó không, vì không những bị phạt tiền, bạn còn bị trừ điểm bằng lái xe nữa.
- Ở các bang có đường toll way (đường mất phí – Ví dụ NSW và VIC) bạn cần nghiên cứu cách chi trả cho toll way trước khi đi vào, và nếu không muốn mất tiền, tốt nhất là tránh các toll way (trên hệ thống GPS có lựa chọn bỏ qua đường toll way). Toll way ở Úc không có người đứng bán vé bên đường, mà mọi thứ đều tự động, và bạn phải mua vé online từ trước khi đi vào đường này. Có lần mình lái xe vào toll way, thấy biển trên đường cảnh báo sắp vào toll way mà không để ý, đến lúc đi vào thì không có lối rẽ ra. Đi hơn 1 phút sau thì mới có đường rẽ ngang, ngay lập tức mình thoát. Tuần sau về nhà nhận phiếu phạt từ công ty quản lý toll way ghi rõ đi từ giây bao nhiêu đến giây bao nhiêu, độ dài là bao nhiêu km, phí đường là bao nhiêu, và phí phạt vì không mua vé trước để họ phải chụp ảnh biển số và lục địa chỉ nhà mình trên cơ sở dữ liệu là bao nhiêu.
Và những điều TUYỆT ĐỐI KHÔNG khi lái xe ở Úc:
- Tuyệt đối không nên liều lái xe khi chưa có đủ giấy tờ pháp lý (bằng lái, bằng dịch), và nếu bạn có bằng L, người ngồi bên cạnh bạn cũng phải là người đủ điều kiện (có bằng full từ 4 năm trở lên đối với một số bang), bởi nếu có vấn đề gì xảy ra, bạn sẽ phải là người chịu trách nhiệm hoàn toàn.
- Không đi xe không có bảo hiểm. Trước khi lái xe bạn bắt buộc phải mua bảo hiểm, ít nhất là bảo hiểm cho bên thứ 3. Bảo hiểm này chỉ 100-200 đô/năm thôi nhưng đem lại cho bạn sự yên tâm khi lái xe trên đường. Hãy tưởng tượng rằng bạn đi trên đường và do phanh gấp bạn đâm vào đít xe một chiếc xe giá $100.000 đô, đem chiếc xe đó đi sửa hết mười mấy nghìn đô, nếu bạn không có bảo hiểm thì bạn biết sự việc sẽ như thế nào rồi đấy. Nếu có bảo hiểm thì bạn chỉ phải gọi cho bảo hiểm đến xử lý toàn bộ sự việc và bạn chỉ phải trả mức excess fee. Gần đây một người bạn mình mới đâm nát đuôi một chiếc xe Camry Hybrid đời 2014 chủ xe mới mua được vài tuần. Một người bạn khác từng bị một chiếc xe khác đâm ngang, cả 2 xe đều nát và phải gọi xe kéo ra bãi rác. Do lỗi của bạn mình nên bạn ấy phải đền toàn bộ giá trị của chiếc xe kia bằng tiền, cùng với mất trắng chiếc xe đang đi. Nếu cẩn trọng hơn, bạn nên mua bảo hiểm toàn diện (bảo hiểm cho cả xe bạn nếu bị tai nạn, mất, trộm, cướp…)
- Tuyệt đối không uống rượu lái xe. Khi có tai nạn xảy ra mà người lái xe uống rượu chắc chắn bảo hiểm sẽ không đền cho bạn. Bạn phải chịu trách nhiệm hoàn toàn với sự việc xảy ra khi bạn uống rượu lái xe, có thể sẽ bị tước bằng có thời hạn, tước bằng vĩnh viễn, thậm chí phải đi tù nếu gây ra sự việc nghiêm trọng vì đây là một trong những tội không thể tha thứ ở Úc. Ở Úc họ có cả dịch vụ đưa đón người đi dự tiệc và biết trước phải uống rượu/bia. Tất nhiên sử dụng dịch vụ này thì đắt, nhưng bạn nên tính đến các phương án dự phòng nếu bạn biết mình sẽ phải uống rượu (như đi nhờ xe bạn/đi bằng xe công cộng/hoặc nhờ bạn lái xe về).
- Không vừa đi xe vừa sử dụng điện thoại di động. Gần đây có một vụ người lái xe vừa đi vừa nhắn tin, không để ý đâm chết 3 trẻ em của một gia đình. Vì thế Úc đang có một chiến dịch chống lại việc sử dụng điện thoại khi lái xe. Camera của cảnh sát hiện giờ có thể bắt được cả người dùng di động khi đang lái xe. Mức phạt của tội này khoảng 200-300 đô tùy bang và trừ điểm bằng lái. Bạn nào vừa lái xe vừa nhắn tin được thì mình phục sát đất bởi mình từng thử 2 lần, cả 2 lần xe đều đâm lên vỉa hè (may quá chưa gây hại cho ai).
- Không đi xe không cài dây an toàn, và không chở em bé dưới 7 tuổi không có ghế ngồi riêng của bé. Bạn mình đã từng bị cảnh sát phạt đúng 500 đô chỉ vì không cài dây an toàn trong khi bạn ấy chỉ ngồi ở ghế sau xe thôi đấy! Ngoài trách nhiệm pháp lý với việc không cài dây an toàn rất cao, ở Úc, đi xe với tốc độ nhanh, khi va chạm xảy ra mà bạn không cài dây an toàn thì tỉ lệ bị văng khỏi ghế dẫn đến thương tật/thiệt mạng cực kỳ cao. Bạn mình đã có lần lật cả chiếc xe vài vòng, bề ngoài của chiếc xe nát bét mà cả 5 người ngồi trên xe không bị thương tật gì vì tất cả đều có cài dây an toàn! (Tất nhiên chuyện này xảy ra ở Úc rồi vì ở Việt Nam có ai cài dây đâu.)
- Không chạy khỏi cảnh sát khi bị cảnh sát gọi. Khi thấy một chiếc xe cảnh sát nháy đèn ở đằng sau, bạn phải tìm cơ hội sớm và an toàn nhất để dừng xe bên lề đường. Cảnh sát ở Úc rất thân thiện, nhiều khi họ chỉ dừng xe để hỏi xem bạn có vấn đề gì hay không (bạn mình từng được gọi lại vì lái xe chuệch choạng trên đường do không biết đường cứ rẽ nhầm lại quay ra – cảnh sát chỉ hỏi xem bạn ấy có làm sao không mà lại lái xe ngoằn nghèo như vậy, và chỉ đường cho bạn ấy rõ ràng trước khi bạn ấy đi tiếp). Nếu bạn không biết đó là tín hiệu gọi của cảnh sát và cố tình đi không dừng lại, có thể bạn sẽ bị quy tội trốn chạy, và cảnh sát Úc sẵn sàng gọi trực thăng đuổi theo xe bạn nếu họ nghi ngờ có vi phạm.
Trên đây là đúc kết những kinh nghiệm lái xe ở Úc của bạn Hường Nguyễn. Chúc các bạn lái xe ở Úc thật an toàn và đúng luật!