Theo báo cáo từ cổng thông tin bất động sản Juwai IQI Group, giá bất động sản đã tăng vọt tại ¾ các thành phố hàng đầu toàn cầu trong thời gian đại dịch.
Montreal đứng đầu toàn cầu về tốc độ tăng giá nhà, theo sau là các thành phố như Los Angeles, Aukland và Toronto, tất cả đều ghi nhận mức tăng giá ít nhất 30% kể từ đầu năm ngoái.
Báo cáo nhấn mạnh rằng giá nhà tăng mạnh là hệ quả khi các biện pháp kích thích kinh tế của chính phủ với mục đích làm giảm thiệt hại kinh tế do đại dịch gây ra đã thổi phồng thị trường bất động sản lên. Đồng thời, xu hướng mới xuất hiện do người mua đánh giá lại tình hình sống của họ: sự thay đổi về sở thích nhà ở, kết hợp với các yếu tố như giảm lãi suất cho vay, tăng tiết kiệm và giảm chi tiêu đã góp phần làm tăng nhu cầu của người mua.
Ông George Chimel, đồng sáng lập và chủ tịch điều hành của Juwai IQI Group, cho biết các thành phố của Úc nằm gần với trung tâm của nhóm này.
Cụ thể là Sydney đứng thứ 8 trong số các thành phố, với mức tăng 12%, trong khi Perth ở vị trí thứ 9 với mức tăng 9,7%, báo cáo sử dụng dữ liệu Domain tính đến tháng Ba năm nay.
Brisbane đứng thứ 11 với mức tăng 8,2% và Melbourne đứng thứ 14 với mức tăng 6,1%. Các đợt tăng giá gần đây hơn còn chứng kiến một số thành phố đạt mức cao kỷ lục.
Nhà kinh tế đứng đầu của ANZ New Zealand, Sharon Zollner, cho biết lãi suất thế chấp thấp kỷ lục, tình trạng thiếu nhà ở và việc nới lỏng tạm thời các chính sách an toàn vĩ mô khi đại dịch tấn công đã khiến giá cả tăng cao ở Auckland và ngay trên khắp New Zealand.
Tuy nhiên, những hạn chế về khả năng chi trả, thay đổi thuế đối với các nhà đầu tư, lãi suất thế chấp tăng và những kỳ vọng rằng Ngân hàng Dự trữ New Zealand sẽ bắt đầu nâng lãi suất tiền mặt vào tuần tới đã khiến mức tăng trưởng chậm lại, bà nói.
“Mọi người đang vay quá nhiều tiền vào lúc này… tốt hơn là ngay bây giờ nên hạ nhiệt nhu cầu xuống một chút,” bà Zollner nói.
Những hạn chế về khả năng chi trả cũng đang bị ảnh hưởng ở Úc. Trong khi lãi suất thế chấp cố định đang bắt đầu tăng, Ngân hàng Dự trữ Úc vẫn không kỳ vọng sẽ nâng lãi suất tiền mặt cho đến năm 2024.
Nhà kinh tế đứng đầu của PRD Real Estate Diaswati Mardiasmo cho biết tại Úc và trên thế giới, lãi suất thấp – cho phép áp lực đi vay trở nên nhẹ nhàng hơn và giảm sự hấp dẫn của việc tiết kiệm vào ngân hàng – các gói kích thích và thay đổi thói quen chi tiêu đã đẩy nhiều người hơn vào thị trường nhà ở. Đồng thời, áp lực chuỗi cung ứng đối với ngành xây dựng bất động sản nhà ở đã khiến việc giao nhà mới bị chậm lại.
“Nếu bạn kết hợp tất cả các thành phần đó lại với nhau, nó sẽ dẫn đến hậu quả thị trường bất động sản trên toàn thế giới sẽ tăng lên với những con số mà không ai ngờ tới.
Tiến sĩ Mardiasmo cho biết thêm sự sụt giảm số lượng nhà trên thị trường do đợt khóa cửa gần đây nhất chỉ làm gia tăng sự cạnh tranh về bất động sản, vì nhu cầu của người mua vẫn mạnh. Bà nói thêm rằng thị trường cũng đang thu hút sự quan tâm của quốc tế, vì Úc được coi là nơi đầu tư an toàn hơn do nước này đang kiểm soát đại dịch rất tốt.
“Dự báo của chúng tôi là năm 2022 là giá nhà Úc sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức vừa phải hơn. Các yếu hỗ trợ nhu cầu mua nhà trong hơn một năm rưỡi qua sẽ vẫn còn có những tác động, đáng chú ý nhất là các khoản thế chấp giá rẻ và tâm lý sợ bị bỏ lỡ. Mặt khác, sự gia tăng nguồn cung và sự mệt mỏi của người mua trong đại dịch có thể sẽ làm giảm tốc độ tăng giá”
Báo cáo cũng nhấn mạnh rằng nhu cầu của Trung Quốc đối với bất động sản Úc dự kiến sẽ tăng nhẹ trong năm tới, với nhu cầu bị dồn nén có thể sẽ tràn lên khi biên giới mở cửa trở lại. Việc mở cửa nhập cư trong nước cũng phần nào cũng khiến giá có xu hướng tăng lên.
Ông Chimel nói rằng bất động sản Úc có mức giá tăng trưởng mạnh mẽ nhưng tương đối có thể nắm bắt được đối với các nhà đầu tư nước ngoài, và hiện đang chiếm ưu thế so với các đối thủ toàn cầu như London hay Tokyo.
Theo Domain